Bé yêu là món quà tuyệt vời mà tạo hóa mang lại cho chúng ta. Bởi lẽ còn quá mới mẻ và bỡ ngỡ trước thế giới muôn màu muôn vẻ nên những thiên thần đáng yêu này phải học hỏi nhiều thứ. Như ông bà ta đã dạy “ Học ăn, học nói, học gói, học mở”, trăm thứ học, trước tiên là phải “ học ăn”.
Tại khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chúng tôi thường gặp câu than phiền “ Bé nhà tôi không biết đói!”
Thông thường phải mất tầm 3 – 4 tiếng sau khi ăn trẻ mới cảm thấy đói. Do đó, việc lên lịch 3 bữa ăn chính và 2 cử phụ có thể là một ý hay cho đa số gia đình. Thưởng thức bữa ăn cùng với gia đình là điều tuyệt vời nhất và câu hỏi được đặt ra lúc này là “khi nào nên bắt đầu cho trẻ ăn chung với các thành viên trong gia đình?”. Khoảng 1 tuổi, bé đã có thể đi chập chững và sử dụng tương đối thành thạo các ngón tay cũng như biết vòi vĩnh. Đây là thời điểm thích hợp để trẻ tham gia thời gian ăn uống vui vẻ cùng cả nhà. Theo như lịch sinh hoạt phổ biến của hầu hết các gia đình, bữa sáng có thể bắt đầu lúc 6 giờ, trưa lúc 11 giờ, chiều lúc 18 giờ – 19 giờ và hai cử phụ lúc 9 giờ và 15 giờ. Tuy nhiên, lịch này có thể thay đổi miễn sao 2 bữa ăn cách nhau khoảng 3 giờ.
Đối với trẻ lớn đã biết “sợ” ba mẹ thì việc ngồi ăn chung bàn với mọi người là chuyện dễ dàng. Nhưng đối với trẻ nhỏ hơn thì đây là một cả thách thức. Bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài trong khoảng 20 – 30 phút. Đây là thời gian lí tưởng để các món ăn giữ được mùi vị và độ ngon của chúng. Tuy nhiên, đôi lúc trẻ không hoàn tất cử bột hay cháo của mình trong 30 phút và giải pháp đơn giản sẽ là trẻ được cho ăn thêm một phần sữa, ya-ua, phô mai hay một cái bánh dinh dưỡng bù vào. Nếu trẻ từ chối có nghĩa trẻ đã no bụng và lựa chọn tốt nhất lúc này là nên kết thúc bữa ăn. Việc ép bé ăn tiếp sẽ gây áp lực căng thẳng không đáng có lên trẻ, chưa kể bé có thể ói tất cả. Xem ra toàn bộ công sức ăn uống của bé đổ sông đổ bể!
Một sai lầm nữa ba mẹ hay gặp phải chính là hay cho trẻ ăn vặt giữa các bữa ăn vì gia đình luôn lo lắng cho rằng “bé ăn ít quá” trong các bữa (thực tế, nhiều khi lượng ăn của bé đã đủ rồi). Như vậy, vô tình trẻ không bao giờ cảm thấy đói (vì lúc nào trong bụng bé cũng có đồ ăn) và tất nhiên trẻ cũng sẽ ăn ít hoặc không ăn trong bữa kế tiếp. Ngược lại, nếu trẻ được ăn theo đúng giờ và không ăn gì (sữa, nước yến, trái cây, nước ngot, kẹo bánh..) vào giữa các bữa ăn , trẻ sẽ tự giác ăn cữ sau.
Đối với các bé đang tuổi tập đi, bữa ăn đôi khi đơn giản là khoảng thời gian vui đùa với thức ăn. Ở độ tuổi này trẻ rất hay bắt chước người lớn và việc ngồi cùng bàn ăn cùng gia đình có thể giúp bé tò mò và đòi ăn.
Trẻ con nói chung thường thích chơi hơn là thích ăn. Và hệ quả là chúng ta luôn có xu hướng dẫn bé đi chơi, cho xem quảng cáo … mỗi khi đút ăn cho trẻ. Tuy nhiên, cách làm này mang lại nhiều hại hơn là lợi. Hậu quả dễ thấy nhất là thức ăn sẽ nguội lạnh không ngon và nguy cơ nhiễm trùng (khói bụi, ruồi nhặng..) khi bữa ăn kéo dài. Chúng ta thường dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà mẹ ẵm bé đi ăn từ đầu hẻm tới cuối hẻm hay bé ăn bột trong lúc chơi thú nhún, hoặc bé ăn cháo khi xem quảng cáo. Giải pháp cho tình huống này là cho bé ăn với gia đình như chúng tôi chia sẻ ở trên, và dần dần cắt giảm những thói quen vừa nêu. Lẽ dĩ nhiên, đối với trẻ đã quen với việc xem TV hay đi dạo lúc ăn, ba mẹ cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn hơn.
Việc cố gắng dọa bé “Con ăn đi không ông kẹ bắt mất” là hoàn toàn vô nghĩa. Lâu dần, bé sẽ biết đó là nói dối và sẽ “lờn thuốc” cũng như làm chúng ta “ mất uy tín” trong mắt bé. Tương tự với việc trao giải thưởng “ảo” cho trẻ khi ăn. Chẳng hạn như ba mẹ hay nói “ Con ăn hết rồi mẹ sẽ dẫn con đi công viên nước …” hay “ con uống hết sữa bà cho con ăn kẹo”. Nhưng thực tế, “nói cho có nói”, hứa đó chứ không có gì. Chúng ta cần biết rằng dạy bé ăn uống là một quyền lợi chứ không phải là nghĩa vụ. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể khuyến khích bé nếu bé có biểu hiện tốt. Ví dụ “ Con cầm muỗng được rồi, giỏi lắm” hoặc “Hôm nay con ăn ngoan lắm không đòi hỏi xem TV nữa , mẹ rất tự hào nhé!”.
Gia đình thường có xu hướng ép bé ăn nhiều hơn hay ăn đúng phần ăn đã “qui ước” (phải hết 1 chén cơm, 1 chén cháo …). Đôi khi như thế là quá sức trẻ và hậu quá là trẻ sẽ ngậm, ói hoặc chống đối… Có thể hôm qua bé ăn được 1 chén nhưng hôm nay bé ngủ nhiều hơn hoặc bé đã chán món đó rồi nên chỉ ăn nửa chén thôi. Giải pháp thật đơn giản. Chúng ta chỉ việc bổ sung bằng sữa hay món khác. Nếu bé vẫn từ chối có nghĩa bé đã no. Để tránh việc lãng phí thức ăn, chúng ta có thể chuẩn bị cho bé từng phần nhỏ hơn hoặc để bé tự quyết là sẽ ăn bao nhiêu. (mở ngoặc nói nhỏ với ba mẹ bé nhé: thực ra trẻ con, bé nào cũng biếng ăn, do vậy, nếu có … ép bé ăn chút chút cũng không sao nhưng “nâng tầm” bữa ăn của bé thành một cuộc chiến căng thẳng là điều hoàn toàn không nên.)
Việc dạy con nết ăn “ mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” cũng muôn hình vạn trạng. Khi có những vấn đề khó khăn trong ăn uống của trẻ, gia đình nên cho bé khám ngay với các bác sĩ nhi hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu nhất sớm nhất nhé.
Nguồn : https://bvndtp.org.vn/tap-an-cho-be-yeu/