Theo tổ chức y tế thế giới, ăn dặm (ăn bổ sung) khi trẻ bắt đầu 6 tháng tuổi (180 ngày tuổi), ở giai đoạn này ngoài sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp thêm năng lượng, dinh dưỡng, các vi chất dinh dưỡng đảm bảo cho sự tăng trưởng phát triển tối ưu của trẻ.
Ăn dặm là quá trình đồng hành cùng trẻ
BS. CKI Đào Thị Cẩm Thùy – Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết, ăn dặm (ăn bổ sung) là giai đoạn chuẩn bị để trẻ chuyển từ bú mẹ, uống sữa sang giai đoạn “nuốt và nhai nát”. Điều quan trọng của giai đoạn này không chỉ là cho trẻ ăn và đảm bảo sự phát triển của trẻ mà còn là quá trình đồng hành cùng trẻ, khuyến khích giúp trẻ có hứng thú với ăn uống, giúp trẻ ăn uống tự lập.
BS. CKI Đào Thị Cẩm Thùy cho hay, lúc khởi đầu tập ăn, nên cho bé ăn từng loại thực phẩm riêng biệt và gần giống với loại sữa bé đang dùng nhất. Trong giai đoạn này, cho trẻ làm quen với thức ăn sệt, loãng như các loại bột dinh dưỡng, theo nguyên tắc lượng ít, đơn giản, bổ sung từng loại thực phẩm, theo dõi tình trạng dung nạp, tiếp nhận của trẻ để điều chỉnh.
Việc đa dạng thực phẩm trong bữa ăn đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phòng tránh suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng. Các loại thực phẩm khác nhau sẽ có mùi vị, hàm lượng chất dinh dưỡng đa dạng, nâng cao khả năng giúp trẻ đạt chế độ dinh dưỡng cân bằng. Quý phụ huynh cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết: tinh bột (gạo, ngô,…), chất đạm (trứng, sữa, thịt, cá,…), chất béo (lạc, vừng, mỡ động vật,…), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại trái cây, rau củ quả tươi,…).
Các nhóm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn dặm:
Chất đạm: Ưu tiên chọn các loại đạm động vật giàu sắt, kẽm, vitamin như gan, thịt gà, cá, trứng, các loại thịt có màu đỏ như thịt bò. Mỗi chén cháo (thể tích 200ml) của trẻ cần 10 gram – 25 gram(1 muỗng canh) đạm các loại thịt cá.
Tinh bột: các loại ngũ cốc đa dạng như bột gạo, khoai, nui, mì. Lượng tinh bột tăng dần theo tháng tuổi, ví dụ khoảng 40 gram bột gạo cho chén bột đặc ở trẻ 8 tháng tuổi.
Chất béo: là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần trẻ, khoảng 35 % tổng năng lượng (trẻ từ 6-24 tháng tuổi), nên ăn đa dạng các loại dầu thực vật như dầu nành, dầu phộng,dầu cải, dầu hướng dương, dầu cá xen kẽ với các loại chất béo no như mỡ heo. Mỗi chén bột, cháo bổ sung thêm 5-10 ml dầu ăn hoặc mỡ, còn giúp chén bột mềm, không quá khô, trẻ dễ ăn.
Nhóm rau củ giàu xơ, vitamin, khoáng chất: Ưu tiên chọn các loại lá màu xanh đậm và củ quả màu cam, màu vàng, các loại này cung cấp nhiều vitamin A, vitamin C, folate, cách chế biến băm nhuyễn hoặc cắt nhỏ phù hợp độ tuổi trẻ.
Nêm gia vị ở giai đoạn ăn dặm: lưu ý không nêm thêm gia vị vào thức ăn cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì hàm lượng natri và clo trong thực phẩm như sữa mẹ, sữa công thức đã sẵn có, đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ nhỏ. Ngoài ra tạo lập thói quen ăn ít muối ngay từ khi còn nhỏ cũng ảnh hưởng đến thói quen ăn nhạt khi trưởng thành phòng ngừa bệnh mãn tính như tăng huyết áp.
Nguồn : https://suckhoedoisong.vn/lam-the-nao-de-me-khuyen-khich-tre-an-dam-co-hung-va-tu-lap-16923092915511082.htm